Sốt rét là bệnh phổ biến ở nước ta. Việc sử dụng các xét nghiệm giúp chẩn đoán để xác định kết quả nhiễm bệnh. Xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu là xét nghiệm rất cổ điển, cơ bản và dễ thực hiện, trong đó có soi kính hiển vi tìm KST sốt rét bmt. Mời mọi người tham khảo bài viết sau để biết thêm chi tiết.
1. Ký sinh trùng sốt rét ở nước ta
Ở nước ta, có hai loại ký sinh trùng sốt rét chính là Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax. Plasmodium falciparum hay gây sốt rét ác tính, còn Plasmodium vivax thường gây sốt rét cơn, tuy nhiên vẫn có trường hợp rơi vào ác tính.
Trong vùng dịch tễ sốt rét, việc chẩn đoán bệnh tương đối đơn giản, vì chỉ cần bị sốt rét cơn điển hình thì bệnh nhân sẽ đến ngay trạm y tế để kiểm tra máu và nhận thuốc đặc trị sốt rét.
Tuy nhiên triệu chứng bệnh sốt rét có khi không điển hình hoặc do người nhiễm là người từ nơi khác đến vùng dịch tễ rồi về lại nơi cư trú của mình, khi bệnh nhân sốt, nhập viện sẽ gây khó khăn trong việc chẩn đoán nếu không khai rõ những nơi mình đã đi qua cho bác sĩ khám bệnh. Đã có nhiều trường hợp tử vong rất đáng tiếc do phát hiện trễ.

2. Các xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét bmt
Xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu là xét nghiệm rất cổ điển, cơ bản và dễ thực hiện, dễ triển khai xuống các đơn vị y tế cơ sở.
Chỉ cần lấy một giọt máu đầu ngón tay bệnh nhân để làm phết máu ngoại biên (giọt dày và giọt mỏng), cố định trên lam và nhuộm giemsa để tìm ký sinh trùng dưới kính hiển vi.
Tại các vùng dịch tễ sốt rét hoặc tại các bệnh viện tuyến trên, khi tiếp nhận bệnh nhân đến từ vùng dịch tễ, các bác sĩ phải cho làm ngay xét nghiệm này như một xét nghiệm cơ bản lúc nhập viện.
3. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH SOI KÍNH HIỂN VI TÌM KST SỐT RÉT
* Trường hợp máu được lấy từ tĩnh mạch: Tiếp nhận ống máu được chống đông bằng EDTA từ điều dưỡng bệnh phòng, tiến hành làm tiêu bản theo các bước của quy trình.
* Trường hợp lấy máu làm tiêu bản trực tiếp (lấy máu mao mạch)
– Tiến hành lấy mẫu:
+ Sát khuẩn ngón tay chích máu bằng cồn 70o, chờ khô.
+ Dùng kim vô khuẩn chích vào vị trí sát khuẩn, sâu khoảng 1mm.
+ Lau bỏ giọt máu đầu bằng bông khô, sạch.
+ Vuốt nhẹ nhàng ngón tay vừa chích từ trên xuống dưới.
+ Dùng lam kính sạch áp nhẹ vào giọt máu thứ 2, giọt máu cách đầu lam 2cm.
+ Giọt máu thứ 3 cũng lấy bằng cách áp lam tương tự như giọt máu thứ 2, cách giọt máu thứ 2 khoảng 1.5cm.
+ Dùng lam kính sạch khác đặt vào trung tâm giọt máu thứ 2 đánh theo hình xoắn ốc từ trong ra ngoài từ 5 – 6 vòng để được giọt máu đặc có đường kính 0.9 – 1.0cm.
+ Tiếp theo, lấy lam kính kéo đặt lên phía trước giọt máu còn lại tạo thành góc 30o – 45o, lùi lam kéo về phía sau một chút để giọt máu được lan đều trên cạnh của lam kéo; đẩy từ từ lam kéo về phía trước, ta được giọt đàn.
+ Sát khuẩn tay cho người bệnh.
+ Để lam khô tự nhiên.
+ Đánh dấu tiêu bản bằng tên, mã số…theo quy định, tránh sai sót, nhầm lẫn.
+ Cố định giọt đàn bằng cồn tuyệt đối: nghiêng tiêu bản khoảng 30o, dùng pipette nhỏ giọt lấy cồn phủ lên giọt đàn, cài lên giá, để khô.
+ Giọt đặc thì không cố định. Nhưng đối với những trường hợp giọt đặc quá dày hay bẩn mốc thì phải dung giải bằng cách nhỏ nước cất hay Giemsa 1% trong 1- 2 phút, đổ nước, cắm lên giá, hong khô.
– Tiến hành nhuộm:
+ Xếp tiêu bản lên giá nhuộm, nhỏ dung dịch Giemsa phủ kín lên lam (Nồng độ Giemsa và thời gian nhuộm theo quy định).
+ Rửa tiêu bản bằng nước sạch. Lưu ý đổ nước nhẹ nhàng vào góc lam để nước sạch dần thay thế Giemsa, tránh rửa mạnh làm trôi bệnh phẩm.
+Hong lam khô tự nhiên.
4. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
* Đọc kết quả:Tìm KSTSR dưới KHV độ phóng đại 10 x 40 (để kiểm tra tiêu bản), sau đó đọc dưới độ phóng đại 10 x 100 tìm KSTSR theo chiều ngang tiêu bản, tuần tự tránh bỏ sót, hoặc theo chiều dọc, tránh trùng lên nhau. Đánh giá như sau:
– Soi 100 vi trường, thấy 1 KSTSR: (+);
– Soi 100 vi trường, thấy 10 KSTSR: (++);
– Soi 1 vi trường, thấy 1 KSTSR: (+++);
– Soi 1 vi trường, thấy 10 KSTSR: (++++).
* Xác định loại KSTSR dựa trên hình thái và tiêu chuẩn chẩn đoán theo quy định.