Anti Ds DNA là tự kháng thể có giá trị cao trong chẩn đoán một số bệnh lý tự miễn như lupus, xơ cứng bì hệ thống…Hiện nay, do có độ nhạy cao nên xét nghiệm anti Ds DNA BMT thường được sử dụng trong chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Để tìm hiểu rõ hơn mời mọi người tham khảo bài viết sau đây.
1. Anti Ds DNA là gì?
Anti Ds DNA là một trong các tự kháng thể xuất hiện ở người mắc bệnh lý tự miễn, đóng vai trò là kháng thể kháng chuỗi kép tiêu diệt kháng nguyên đích DNA sợi kép trong nhân tế bào.
Tự kháng thể là các protein miễn dịch được cơ thể sản xuất để làm tổn thương mô hay các bộ phận của cơ thể của chính mình do nhầm lẫn mục tiêu. Bình thường, tế bào miễn dịch có thể nhận biết được và không phản ứng tiêu diệt các kháng nguyên của chính cơ thể mình. Tuy nhiên, tự kháng thể lại không phân biệt được đâu là kháng nguyên ngoại lai và đâu là kháng nguyên tự thân và dẫn đến tình trạng tự tiêu diệt chính tế bào của cơ thể mình.
Các nguyên nhân gây nên sự xuất hiện của tự kháng thể rất đa dạng và chưa được hiểu rõ. Nhiều trường hợp, cơ thể sản xuất tự kháng thể là do yếu tố di truyền kết hợp với một tác nhân kích thích môi trường như: Nhiễm siêu vi hoặc tiếp xúc lâu dài với một số loại hóa chất độc hại.
2. Xét nghiệm anti Ds DNA BMT là gì?
Xét nghiệm anti Ds DNA BMT giúp định lượng kháng thể kháng chuỗi kép (Ds DNA) trong máu của bệnh nhân.
Thực hiện xét nghiệm anti Ds DNA BMT bằng các phương pháp và kỹ thuật như:
- Xét nghiệm miễn dịch hóa phát quang: Công nghệ miễn dịch hóa phát quang có thể giúp định lượng được số lượng tự kháng thể chống lại DNA chuỗi kép trong máu của người bệnh. Phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, thời gian xét nghiệm ngắn hơn.
- Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang: Ở xét nghiệm này, kháng nguyên được gắn với một chất nhuộm huỳnh quang phát quang dưới tia cực tím. Huyết thanh của người bệnh nếu chứa kháng thể thì sẽ xảy ra phản ứng kháng nguyên kháng thể và từ đó phát hiện có hay không anti Ds DNA.
- Xét nghiệm miễn dịch enzym ELISA: Xét nghiệm này dựa vào đặc tính kết hợp kháng nguyên và kháng thể trong mẫu bệnh phẩm để phát hiện được kháng thể có trong mẫu hay không.
Xét nghiệm anti Ds DNA BMT thường được sử dụng trong chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ hệ thống
3. Mục đích của xét nghiệm anti Ds DNA BMT
Xét nghiệm tự kháng thể Ds DNA BMT được sử dụng với mục đích chẩn đoán một số bệnh lý tự miễn khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ, bao gồm:
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống;
- Xơ cứng bì;
- Viêm da cơ, viêm đa cơ;
- Bệnh mô liên kết hỗn hợp;
- Hội chứng Sjogren;
- Hội chứng CREST;
- Viêm mạch hệ thống;
- Viêm khớp tự miễn.
Ngoài ra, xét nghiệm anti Ds DNA BMT cũng được thực hiện để tìm nguyên nhân gây ra một số dấu hiệu kéo dài dai dẳng như: Đau khớp liên tục, sốt kéo dài, người mệt mỏi, khó thở, tiểu ra máu, yếu cơ, phát ban trên mặt…Từ đó giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
4. Ý nghĩa xét nghiệm anti Ds DNA BMT
- Xét nghiệm Anti Ds DNA BMT có ý nghĩa quan trọng đối với việc chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ hệ thống và phân biệt bệnh lupus ban đỏ hệ thống với các bệnh lý tự miễn khác.
- Theo thống kê, có tới 80% số người mắc bệnh lupus ban đỏ có xét nghiệm anti Ds DNA dương tính. Ngoài ra, tự kháng thể này cũng có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý tự miễn khác, khi được kiểm tra bằng xét nghiệm Anti Ds DNA BMT.
- Trong suốt quá trình điều trị, xét nghiệm Anti Ds DNA BMT giúp theo dõi nồng độ Anti Ds DNA trong mẫu máu của người bệnh, để đánh giá nguy cơ bùng phát tổn thương thận ở người mắc bệnh lupus ban đỏ đã có bệnh lý thận trước đó. Đồng thời, giúp theo dõi mức độ hoạt động của bệnh và hiệu quả của phương pháp điều trị.
Tóm lại, xét nghiệm anti Ds DNA BMT giúp chẩn đoán và theo dõi một số bệnh lý tự miễn, tìm ra được nguyên nhân cho những dấu hiệu bất thường kéo dài. Khi thực hiện xét nghiệm, một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới kết quả, vì vậy người bệnh nên thực hiện xét nghiệm này tại các cơ sở y tế uy tín.